Phát triển giáo dục Sa Pa xứng tầm thị xã

14/12/2019 08:35

LCĐT - Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, áp dụng cơ chế đặc biệt cho phép tỉnh Lào Cai nâng cấp Sa Pa từ huyện lên thị xã. Đây là bước ngoặt lịch sử mở ra cho Sa Pa nhiều cơ hội để phát triển, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Sài trong giờ Tin học.

Cơ hội phát triển

Thời điểm này, đến Sa Pa có thể thấy không khí khẩn trương, gấp rút để hoàn thiện các tiêu chí nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa. Tỉnh lộ 152 đoạn thị trấn Sa Pa - ngã ba Bản Dền cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cô giáo Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lao Chải cho biết: Tuyến đường được nâng cấp giúp đường đến trường của thầy cô và học sinh thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, tuyến đường xuống cấp, ngày nắng thì bụi mà ngày mưa thì lầy lội, nhiều ổ gà và điểm sụt lún, nhiều thầy cô giáo phải ở lại trường cả tuần vì “ngại” về. Bên cạnh việc được hưởng lợi từ những dự án giao thông, điện, nước sinh hoạt, Trường Tiểu học Lao Chải còn được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị dạy học. Nhà trường chờ được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nhà học bán trú với 6 phòng xây khang trang, 1 nhà ăn với tổng diện tích hơn 100 m2, phục vụ gần 200 học sinh bán trú.

Thực tế cho thấy, Sa Pa trở thành thị xã tạo tiền đề, điểm tựa cho việc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Đầu tiên là mạng lưới trường, lớp được rà soát lại cho phù hợp. Sau khi sáp nhập các xã, các điểm trường, việc đưa học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ra điểm trường chính sẽ thuận lợi hơn, các em có cơ hội được học tập trong điều kiện tốt hơn. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã cũng là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác vào hạ tầng cơ sở như giao thông, trạm y tế, chợ, thủy lợi… Cùng với đó là nâng cấp, xây dựng các trường học khang trang hơn để tương xứng với phát triển đô thị và phù hợp với việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới; giúp thúc đẩy giáo dục chất lượng cao giữa các trường học, là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, người dân còn được thụ hưởng các chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và các chính sách ưu đãi của Nhà nước nói chung, góp phần vào việc giảm nghèo, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục.

Theo quy hoạch mạng lưới trường, lớp, thị xã Sa Pa sẽ giữ nguyên 59 đơn vị trường học, tuy nhiên để xứng tầm với ngành giáo dục và đào tạo của một thị xã, Sa Pa sẽ xây dựng thêm 6 trường học trong giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, phường Phan Si Păng có 2 trường (Trường Mầm non Phan Si Păng và Trường Tiểu học, THCS Phan Si Păng); phường Cầu Mây có 2 trường (nâng cấp Trường Mầm non Cầu Mây và xây mới Trường Tiểu học, THCS Cầu Mây); phường Sa Pả có 2 trường (Trường Mầm non Sa Pả và Trường THCS Sa Pả).

Nhiều thách thức cần vượt qua

Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, Sa Pa được Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc biệt để lên thị xã nghĩa là còn một số tiêu chí chưa đạt và địa phương phải cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đây là cơ hội và thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục của huyện. Trước tiên là việc nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp cho phù hợp, tiếp đến là việc sáp nhập sẽ gây xáo trộn không nhỏ tới một số trường. Một số trường học sau khi sáp nhập sẽ tăng lượng lớn học sinh, trong khi cơ sở vật chất đang trong giai đoạn hoàn thiện. Học sinh và giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn như San Sả Hồ, Lao Chải, Sa Pả mặc dù vẫn học tập và giảng dạy với điều kiện mới nhưng sẽ không được hưởng những chính sách hỗ trợ như trước. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Lao Chải, sau khi Sa Pa lên thị xã thì nhà trường sẽ phải tiếp nhận thêm hơn 200 học sinh tại 2 thôn của xã San Sả Hồ, điều này sẽ tạo áp lực lớn cho trường trong việc ổn định điều kiện trường, lớp cũng như khu nhà ở cho học sinh bán trú. Các chế độ hỗ trợ cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn cũng bị cắt giảm.

Tuy nhiên, việc huyện Sa Pa trở thành thị xã Sa Pa là phù hợp với quy hoạch chung, là yêu cầu khách quan và cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Sa Pa trong những năm tới, đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa. Chính vì thế, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành giáo dục và đào tạo Sa Pa vẫn nỗ lực vượt khó. Ngay từ đầu năm học, ngành đã tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ổn định tâm lý, tư tưởng cho giáo viên, phụ huynh, học sinh; đề xuất, tham mưu để có thể giữ nguyên các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và học sinh đến hết năm 2021. Ngành giáo dục huyện coi nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là mục tiêu thực hiện hàng đầu để tương xứng với sự phát triển đô thị. Ngành đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Cùng với cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục và đào tạo huyện Sa Pa đang nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển chung, để thị xã Sa Pa ngày càng văn minh, xứng tầm là Khu Du lịch trọng điểm quốc gia.

THANH HUỆ